lời hay ý đẹp

KÍNH CHÚC CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG NI, QUÝ ĐẠO HỮU PHẬT TỬ NĂM MỚI VẠN SỰ AN LÀNH, CÁT TƯỜNG NHƯ Ý.

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

CHƯƠNG TRÌNH MƯỢN VỐN DÀNH CHO HUYNH TRƯỞNG GĐPT TỈNH TÂY NINH

Nhân dịp chào mừng Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc VESAK 2014, PL 2558, vào ngày 17/5/2014, nhằm ngày 19 tháng tư năm Giáp Ngọ, thừa lệnh Ni sư Thích Như Lợi, viện chủ chùa Vạn Thiện, Sư cô Thích Như Giới, trụ trì chùa Vạn Thiện  cùng ban từ thiện về đến chùa Linh Nghĩa , xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, thành phố Tây Ninh trao vốn mượn không lãi xuất cho 06 huynh trưởng thuộc Phân ban GĐPT Tây Ninh.




Chương trình nhằm mục đích hỗ trợ huynh trưởng GĐPT khó khăn có nhu cầu mượn vốn để phát triển kinh tế gia đình,  tạo điều kiện thuận lợi việc sinh hoạt tại địa phương, góp phần ổn định và phát triển tổ chức GĐPT.
Hình thành và bắt đầu từ tháng 9 năm 2012, cho đến nay, chương trình hỗ trợ được 86  huynh trưởng trong GĐPT tp HCM và một số tỉnh thành . Mỗi phần  vốn mượn là 5.000.000đ, trả dần trong vòng 12 tháng hoặc hết số vốn  mượn .
Tuy số lượng còn khiêm tốn nhưng ban Từ thiện Xã hội chùa Vạn Thiện rất mong góp chút công sức của mình trong sự phát triển chung của tổ chức Gia đình Phật tử. 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

Ban Từ thiện Xã hội chùa Vạn Thiện





CHIA SẺ KHÓ KHĂN VỚI ĐỒNG BÀO TỈNH TÂY NINH

 Nhân dịp chào mừng Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc VESAK 2014, PL 2558, vào ngày 17/5/2014, nhằm ngày 19 tháng tư năm Giáp Ngọ, thừa lệnh Ni sư Thích Như Lợi, viện chủ chùa Vạn Thiện, Sư cô Thích Như Giới, trụ trì chùa Vạn Thiện  cùng ban từ thiện về đến chùa Linh Nghĩa , xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, thành phố Tây Ninh với chương trình giúp đỡ 100 đồng bào nghèo và  100  học sinh, đoàn sinh gia đình phật tử  khó khăn.
       
             1/ Chùa Linh Nghĩa tại huyện Dương Minh Châu với 170 phần quà



 



 

 Tham dự chứng minh lễ phát quà là  ĐĐ Thích Nghiêm Đạo, trưởng ban HD Phật Tử Tp Tây Ninh và bà  Trần thị Ngọc Em , chủ tịch xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, TP Tây Ninh.




Quà dành cho học sinh gồm 10 cuốn tập, 2 cây viết, bánh, kẹo, nước ngọt, vài áo và 1 bao thư 100.000 đ.




Phần quà dành cho đồng bào nghèo gồm : 10 kg gạo, 1 thùng mì gói, 2 chai nước tương, 1 chai dầu ăn, 1/2 kg đường, 1 chai nước ngọt, 1 xấp vài áo và 1 bao thư 100.000đ . 










                2/ Chùa Linh Sơn Thanh Lâm tại Gò Đầu với 30 phần quà.






Xin chân thành tri ân quý Phật tử ban hộ trì Tam Bảo, quý Phật tử gần xa đã ủng hộ chương trình này, xin tri ân gia đình Phật tử Thiện Nhàn, Phật tử Thiện Trang đã ủng hộ phương tiện đi chuyển, xin tri ân Thân hữu Đặng thị Thiên Thư đã ủng hộ 100 phần tịnh tài cho chương trình. 
Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo hộ trì  toàn thể quý Phật tử, các nhà hảo tâm , mạnh thường quân thân tâm an lạc, Phật sự viên thành.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT

Ban Từ thiện chùa Vạn Thiện

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

TỨ NHIẾP PHÁP




Thực hành hạnh vô úy thí còn có nghĩa là giúp chúng sanh khắc phục tư tưởng sợ hãi, khiếp nhược yếu hèn, tự ti mặc cảm, giúp chúng sanh hiểu được điều Đức Phật giác ngộ dưới cội cây bồ đề và giảng dạy khắp tam tạng kinh điển. Đó chính là: "Tất cả chúng sanh ai ai cũng đều có Phật Tánh như nhau, tất cả đều bình đẳng, và tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật, giải thoát mọi khổ đau phiền não, nếu biết tu tập, thực hành đúng Chánh Pháp". Trong các kinh điển Phật giáo, đó là bốn bước: khai, thị, ngộ, nhập. Nghĩa là Đức Phật khai mở cánh cửa giải thoát; chỉ thị cho con người thấy được, hiểu được "pháp vô sanh", đó là cái "bất sanh diệt", đó là "con người chân thật" của tất cả chúng ta, chứ không phải cái xác thân giả tạm đang có; giúp cho con người làm sao giác ngộ được "pháp vô sanh" và cuối cùng chỉ dạy đường lối tu hành làm sao chứng nhập được "pháp vô sanh" đó.

A.Mở đề

- Tu hạnh lợi tha để nhiếp hóa chúng sanh là bổn phận của Bồ Tát.
- Với tinh thần “thượng cầu phật đạo hạ hóa chúng sanh” Bồ tát lấy đó làm hành trang để đưa đạo Phật đến với mọi loài.
- Con đường hóa độ có nhiều cách nhưng không ra ngoài pháp môn tứ nhiếp pháp.

B. Chánh đề

I. Định nghĩa

Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp lợi tha để nhiếp phục chúng sanh quay về với phật pháp.
Tứ nhiếp pháp gồm : + bố thí nhiếp.
                                        + ái ngữ nhiếp.
                                        + lợi hành nhiếp.
                                        + đồng sự nhiếp.
a.     Tứ nhiếp pháp theo kinh luận Tiểu thừa
- Theo các kinh luận Tiểu Thừa thì giá trị của Tứ nhiếp pháp chỉ được giới hạn trong phạm trù nhân quả Nhân Thiên cho cả tại gia và xuất gia mà thôi.
- Đối với hàng Phật tử tại gia, đức Đạo sư dạy về Tứ nhiếp pháp, chú trọng về phần danh và có lợi ngay trong hiện đời này và đời sau, nhờ hành Tứ nhiếp pháp như theo Trung A-hàm 33, kinh Thiện Sanh, đức Đạo sư dạy con của một nhà cư sĩ:
Này con nhà Cư sĩ, có bốn nhiếp sự. Bốn việc ấy là gì? Một là huệ thí. Hai là lời nói khả ái. Ba là làm lợi cho người. Bốn là có lợi cùng chia.”
Đối với hàng xuất gia thì chú trọng về tinh thần nhiều hơn là chú trọng về vật chất như Phật tử tại gia.
Như trong kinh Tạp A-hàm quyển 26 kinh 636, đức Đạo sư dạy các Tỳ-kheo:
Bố thí tối thắng, đó là pháp thí. Ái ngữ tối thắng, là khiến thiện nam tử thích nghe, nói pháp đúng lúc. Hành lợi tối thắng là đối với người không có tín khiến có tín, xác lập trên tín; đối với người học giới thì xác lập bằng tịnh giới; đối với người bỏn xẻn thì bằng bố thí; đối với người ác trí huệ thì bằng chánh trí mà xác lập. Đồng lợi tối thắng, là nếu A-la-hán thì trao cho người quả A-la-hán. A-na-hàm thì trao cho người quả A-na-hàm. Tư-đà-hàm thì trao cho người quả Tư-đà-hàm. Tu-đà-hoàn thì trao cho người quả Tu-đà-hoàn. Người tịnh giới thì trao người bằng tịnh giới.
Cũng kinh Tạp A-hàm quyển 26, nhưng kinh 637 thì đức Đạo sư dạy các Tỳ-kheo có một vài sai biệt trong vấn đề thời gian ba đời, khi đề cập đến Tứ nhiếp pháp trong lúc nhiếp thủ đại chúng, có thể tùy thuộc vào một trong bốn pháp này, nếu thấy thích hợp để nhiếp thủ đại chúng:
Nếu như có pháp nào để nhiếp thủ đại chúng thì tất cả đều ở trong bốn nhiếp sự. Hoặc một nhiếp thủ là bố thí, hoặc một nhiếp thủ là ái ngữ, hoặc một nhiếp thủ là hành lợi, hoặc một nhiếp thủ là đồng lợi. Ở trong thời quá khứ, những pháp nào đã nhiếp thủ đại chúng trong thời quá khứ cũng không ngoài bốn nhiếp sự. Những pháp nào sẽ nhiếp thủ đại chúng trong thời vị lai cũng không ngoài bốn nhiếp sự. Hoặc một pháp nhiếp thủ là bố thí, hoặc một pháp nhiếp thủ là ái ngữ, hoặc một pháp nhiếp thủ là hành lợi, hoặc một pháp nhiếp thủ là đồng lợi.”
Vd : như câu chuyện trong tăng Nhất Ahàm quyển 22 kể về con gái vua Ai Mẫn la Tu Ma Na tu hạnh tứ nhiếp Pháp.
b.    Tứ nhiếp pháp theo kinh luận Đại thừa
- Theo kinh luận Đại thừa thì giá trị của Tứ nhiếp pháp được nâng cao hơn trong việc thực hành Bồ-tát đạo để hoàn thành giác hạnh viên mãn cho quả vị Phật của các hàng Bồ-tát, nên tự thân giá trị của nó phải được đặt nặng trong việc lợi tha vô điều kiện dành cho cả hai hàng Bồ-tát xuất gia cùng tại gia. 
- Vì vậy cho nên cũng cùng Tứ nhiếp pháp nhưng có sự sai khác về phương pháp hành nhân cũng như kết quả của nó tùy thuộc vào thuộc tính của Tiểu thừa và Đại thừa: Đó là có điều kiện giới hạn trong nhân quả, và vô điều kiện giới hạn trong nhân quả. 
- Theo kinh Ưu-bà-di Tịnh hạnh pháp môn, quyển thượng, đức Đạo sư đã kể về Ngài khi còn làm người thường thực hành Tứ nhiếp pháp: 
“… Bố thí, Ái ngữ, Lợi ích (lợi hành), Đồng sự để nhiếp hóa chúng sanh mỗi khi có bất cứ chúng sanh nào muốn tìm cầu điều gì Ngài cũng đáp ứng những yêu cầu của họ mà không làm trái lại với ý của họ. Nhờ công đức vô điều kiện này mà Ngài đã tích tụ thiện nghiệp sâu rộng cho đến khi chỉ còn một đời cuối cùng là “nhứt sinh bổ xứ” trong thời gian này Ngài thường hưởng nhạc Trời và khi sinh xuống thế gian này đạt được hai tướng đại nhơn đó là: Tay chân mền mại, các ngón tay chân liên kết bỡi một màn da mỏng (man võng). Vì hai tướng này, nếu là người ở tại gia thì làm Chuyển luân Thánh vương cai trị bốn châu thiên hạ, nếu là người xuất gia thì đạt được ngôi vị Pháp vương, khéo nhiếp phục tất cả vô lượng chúng sanh, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhơn, phi nhơn v.v…”.
Và cũng theo Đại tập kinh quyển thượng, đức Đạo sư dạy tôn giả Xá-lợi-phất về việc thực hành của các hàng Bồ-tát về Tứ nhiếp pháp theo thể cách của Ba-la-mật Đại thừa không cần biết đến kết quả hồi báo của hành động người thực hành Tứ nhiếp, miễn sao việc làm của họ mang lại lợi lạc cho chúng sanh và đưa họ về đường chánh thì làm, còn việc mang lại lợi lạc cho chính bản thân của người thực hành là như thế nào không để ý đến!

“… Đối với Bồ-tát Tứ nhiếp cũng không thể tận. Sao gọi là Bốn? Một là Bố thí, hai là Ái ngữ, ba là Lợi hành, bốn là Đồng sự.
- Sao gọi là Bố thí? Thí có hai loại: Tài thí và Pháp thí. 

- Sao gọi là Ái ngữ? đối với người cầu tài và người nghe pháp phải dùng lời nói nhu hòa. 
- Sao gọi là Lợi hành? là đối với người cầu tài và nghe pháp phải tùy theo những gì họ cầu mà đáp ứng đầy đủ. 
- Sao gọi là Đồng lợi? là đối với người cầu tài và pháp phải dùng pháp Đại thừa tự lợi khiến an chỉ họ”. 
- Hơn nữa, Bố thí có nơi gọi là xả tâm. Ái ngữ, là thực hành không giới hạn. Lợi hành, cuối cùng không hối hận. Đồng lợi, hồi hướng về Đại thừa.
- Hơn nữa, Bố thí là khởi lòng từ bi, thực hành xả bỏ tư hữu. Ái ngữ, không bỏ tâm hỷ. Lợi hành, trang nghiêm đại bi làm lợi chúng sanh. Đồng lợi, đối với trên dưới xả bỏ, phát tâm hồi hướng Nhất thiết chủng trí.
- Hơn nữa, Bố thí, cầu tài như pháp, hành thí thanh tịnh. Ái ngữ, dùng từ hòa hướng dẫn, an chỉ vào pháp thiện. Lợi hành, nói về tự lợi, là để lợi ích mọi người. Đồng lợi, khiến mọi người phát tâm Nhất thiết trí.
- Hơn nữa Bố thí, phải xả cả trong lẫn ngoài. Ái ngữ, công đức trí tuệ, tâm không tham luyến. Lợi hành, bỏ tự lợi hành lợi tha. Đồng lợi, xả bỏ địa vị quan trọng, tâm không hối tiếc.
Pháp thí, như những pháp đã được nghe tất phải diễn nói lại. Ái ngữ, không vì lợi dưỡng mà nói pháp. Lợi hành, khuyên bảo người đọc tụng, tâm không biết mêt mỏi. Đồng lợi, nhất thiết trí là tâm được pháp vi diệu, tức là dùng pháp vi diệu này khích lệ chúng sanh.
- Hơn nữa, pháp thí là nếu có chúng sanh nào mỗi lần nghe pháp, theo thứ tự vì họ mà nói không sai lầm. Ái ngữ, vì người nói pháp không từ xa gần. Lợi hành, có người cầu pháp, nên cung ấp, y phục, đồ ăn thức uống, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh khiến cho họ không thiếu, trước làm cho họ yên sau đó tùy theo sở cầu của họ mà diễn nói. Đồng lợi, Khi nào giảng thuyết cho mọi người thì thường phải khuyên chúng sanh hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề: anuttara-samyak-sambodhi).
- Hơn nữa, Pháp thí, đối với trong những pháp Bố thí thì Pháp thí là tối thắng, nên dùng pháp thắng này mà vì mọi người diễn nói. Ái ngữ, thường vì lợi ích chúng sanh mà nói. Lợi hành, tùy thuộc vào nghĩa của thuộc tính mà nói chứ không tùy theo văn tự. Đồng lợi, thường vì để hoàn bị Phật pháp đầy đủ nên nói.
- Hơn nữa, Bố thí phải đầy đủ Đàn-na Ba-la-mật (dāna-pāramitā). Ái ngữ, phải đầy đủ Thi-la Ba-la-mật (śīla-pāramitā). Lợi hành, phải đầy đủ Tỳ-lị-da Ba-la-mật (vīrya-pāramitā). Đồng lợi, phải đầy đủ Thiền-na Ba-la-mật (dhyāna-pāramitā). Hơn nữa, Bố thí là mới phát khởi Bồ-đề. Ái ngữ, là tu tập thực hành Bồ-đề. Lợi hành là không thối thất Bồ-đề. Đồng lợi là Nhất sinh bổ xứ.
- Hơn nữa, Bố thí là an trụ căn bổn chủng tử Bồ-đề. Ái ngữ, nuôi lớn mầm thân cành lá Bồ-đề. Lợi hành là từ từ triển khai ra hoa Bồ-đề. Đồng lợi, tự có khả năng thành tựu thật quả Bồ-đề. Đó gọi là Bồ-tát nhiếp hóa chúng sanh không thể tận.”

II. Bố thí nhiếp

- Bố là cùng khắp, ban bố rộng rãi không phân biệt.
- Thí là đem cho. Tùy theo đối tượng mà dịch nghĩa là : cúng dường, cho, biếu, tặng, dâng,…
- Bố thí nghĩa là đem những gì mình có được như tiền tài, vật chất, sự hiểu biết, giáo giáo của đức Phật,… cho đến người khác với sự thương yêu và tôn trọng.
- Người nhận nhờ việc làm này mà được an vui, vượt qua được khổ ách.
Bố thí có 3 loại :
1) Tài thí: tức bố thí tiền.
2) Pháp thí: tức bố thí pháp.
3) Vô úy thí: tức bố thí sự không sợ hãi.
- Khi nói đến sự bố thí, thì ta nhận ra có ba yếu tố tạo ra nó, đó là: người cho (năng thí), món đồ (vật thí), và người nhận (sở thí).
Ba món Bố thí mà ta vừa kể trên (Tài, Pháp, Vô úy) thuộc về vật thí. Còn người cho và người nhận, ta đã sơ xuất bỏ quên.
- Ba yếu tố cho ra sự Bố thí quan trọng lắm, nếu thiếu một trong ba cái đó
 thì sẽ không có sự Bố thí.
Vd : Có người cầm trong tay một món đồ muốn cho mà không có ai nhận thì không có sự bố thí. Có món đồ mà không có người cho và người nhận thì cũng không có sự bố thí. Có người sẵn sàng nhận đồ mà không có ai cho thì cũng không có sự bố thí.
* Nếu muốn phân loại thì ta phải căn cứ trên ba yếu tố của sự Bố thí mà phân loại:
- Trên phương diện người cho (dayaka) thì có hai loại: Bố thí trong sạch và không trong sạch.
- Trên phương diện vật thí thì có ba loại: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí
- Trên phương diện người nhận (tức đối tượng của sự bố thí), còn được gọi là ruộng phước (phước điền) thì có hai loại: ruộng phước nhỏ và ruộng phước lớn.
Trên đây chỉ là tạm phân loại tổng quát thôi, vì mỗi loại lại được phân ra làm các phần nhỏ nữa.
a. Trên phương diện người thí 
Có hai loại bố thí: Trong sạch và không trong sạch.
1) Thế nào là bố thí không trong sạch ?
Đó là bố thí vì: tư lợi, bất kính, chán ghét, yếu hèn, muốn dụ dỗ, sợ chết, muốn chọc tức, ghen tức, ganh đua, kiêu ngạo, cầu danh, tránh né sự nguy hiểm, muốn mê hoặc lòng người,… Tóm lại bố thí vì một cái tâm xấu xa, không nghĩ đến sự an vui hay lợi ích cho người nhận.
2) Thế nào là bố thí trong sạch?
Đó là sự bố thí có tánh cách ngược lại những gì đã mô tả ở phần trên. Còn có nghĩa là Bố thí mà muốn đem lại lợi ích cho người nhận.
Vừa kể trên là sự bố thí trong sạch cho tất cả mọi người.
 Riêng cho Phật tử thì Bố thí trong sạch còn có nghĩa là bồi đắp công đức cho sự giải thoát, tức Niết Bàn (Nirvàna).
Phải bồi đắp cách nào? Bằng cách bố thí với tâm trong sạch, không cầu phước báo của Trời (Deva), người (Manusya), không cầu sự sung sướng trong đời này và đời sau, chỉ cầu giải thoát của Niết Bàn, bố thí với tấm lòng cung kính (satkàra) hoặc từ bi (maitrìkarùna).
 Trong lúc chưa chứng được hoàn toàn quả Niết Bàn, ta vẫn tái sinh ở cảnh an vui của Trời, người (mặc dù không cố ý cầu), đó là do nghiệp báo tốt của sự bố thí trong sạch.
- Kinh Tăng Chi chương 2 pháp Đức Phật có nói rằng: ‘Trên đời này có hai hạng người rất là hiếm có: 1) Một vị Tỳ Khưu đã hoàn toàn giải thoát trong số các tu sĩ lang thang (pravajita); 2) Một người biết bố thí trong sạch trong số các cư sĩ tại gia.’
b. Trên phương diện vật thí 
Có ba loại: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.
Trong mỗi loại trên lại chia ra: chân chính và không chân chính.
1.     Tài thí
Tài thí lại chia ra hai loại: Ngoại thí và Nội thí.
a) Ngoại thí (bàhyadàna)
Ngoại thí là bố thí những đồ vật bên ngoài như: vàng, bạc, của cải, quần áo, đồ ăn thức uống…
b) Nội thí (àdhyàtmika)
Nội thí là bố thí những gì trong thân thể con người chúng ta; như xưa kia đức Phật còn làm Bồ Tát đã bố thí đầu, mắt, chân, tay…
Vd : Ngày nay ta không làm nổi như vậy thì ta có thể ra công giúp sức như làm công quả cho chùa, kéo xe cho người già, v…v… Hoặc tiếp máu cho bệnh nhân ở nhà thương, hoặc ký giấy cho những bộ phận trong thân thể mình nếu bị chết bất đắc kỳ tử.
* Tài thí chân chính: là những đồ vật được bố thí không phải do từ trộm cắp hay cướp giật.
* Nếu ngược lại là tài thí không chân chính.
* Ngoài ra nếu ta bố thí trong những trường hợp sau đây thì phước báo sẽ tăng lên gấp bội:
1. Bố thí đúng lúc. Có nghĩa là bố thí cho: những người đi xa, người từ xa mới đến, người bịnh, người trông coi kẻ bịnh, trong những mùa giá lạnh.
2. Bố thí luôn luôn mà không thấy mệt mỏi hay chán nản.
3. Bố thí tùy theo sở thích của người xin.
4. Bố thí những vật quí giá.
5. Bố thí cho những người làm việc cho Chùa, làm vườn, đào mương..
6. Bố thí cho chư Tăng.
7. Bố thí mà kính trọng người nhận.
8. Bố thí cho những người có đức hạnh.
9. Bố thí tất cả những gì mà mình có.
2) Pháp thí
Thế nào là pháp thí?
Được xem là pháp thí gồm có:
1. Tất cả những lời nói chân thật, hữu ích có thể đem lại an lạc cho người nghe.
2. Giảng dạy chánh pháp của đức Phật (Buddhadharma).
3. Giảng dạy ba Tạng pháp: Kinh (Sùtra), Luật (Vinaya) và Luận (Abhidharma).
4. Giảng dạy cho người biết hai pháp: Thanh văn (Sravaka) và Bồ Tát (Bodhisattva).
3) Vô úy thí
Vô úy thí có nghĩa là bố thí sự không sợ hãi, tức là làm cho người khác được an tâm yên chí, không sợ gì cả.
Theo nguồn gốc Kinh tạng nguyên thủy (Anguttara, Itivuttaka) thì chỉ có hai loại Bố thí, đó là Tài thí và Pháp thí. Nhưng theo giáo lý Đại thừa (Mahayàna), có thêm vào một loại bố thí thứ ba là Vô úy thí.
Theo ý kiến cá nhân, thì tôi thấy Vô úy thí nằm trong Tài thí hoặc Pháp thí. Vì sao? Vì khi bố thí, tức là cho, thì có hai cách: một là cho bằng hành động, hai là cho bằng lời nói. Nếu bằng hành động thì đó thuộc Tài thí, còn nếu bằng lời nói thì đó thuộc Pháp thí.
4. So sánh Tài thí với Pháp thí.
Đa số chúng ta ai cũng biết trước là Pháp thí quý hơn Tài thí.Chính đức Phật đã nói:
Trong hai loại Bố thí này, thì Pháp thí là trên” (Anguttara I). Vì sao? Vì nhiều lý do:
- Phước báo của Tài thí vẫn thuộc cõi Dục giới (Kàmadhatu) còn phước báo của Pháp thí có thể nằm trong ba cõi (Traidhàtuka) hoặc ngoài ba cõi.
- Sự Bố thí tài (tiền của, đồ vật) có giới hạn, còn sự Bố thí Pháp không có giới hạn (apramàna), vì tiền cho lâu rồi cũng hết, còn giáo pháp cho hoài không bao giờ hết.
- Quả báo của Tài thí còn thuộc về hữu lậu, trong khi quả báo của Pháp thí thuộc vô lậu.
- Bố thí tài cần phải đòi hỏi nhiều sức lực, ra công trong khi bố thí pháp chỉ cần sự thông minh và trí tuệ.
- Chỉ có bố thí Pháp mới có thể gặt hái được những phước báo giống như các hàng Thanh Văn (Sravaka), Bích chi Phật (Pratyekabuddha) hay Bồ Tát (Bodhisattva).
- Chỉ có bố thí Pháp mới có thể dẫn người khác đến con đường giác ngộ (Bodhimàrga).
- Ta có thể thực hành Tài thí trong bất cứ thời đại (Kalpa) nào, dù có Phật hay không có Phật ở đời. Ngược lại, chỉ trong thời đại có một đức Phật ra đời ta mới có thể thực hiện Pháp thí được. Vì thế Pháp thí hiếm hơn Tài thí.
- Bố thí Pháp sẽ gặt hái được nhiều công đức hơn tài thí.

III. Ái ngữ nhiếp

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Mahavàna, dạy các Tỷ kheo: Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm lỗi và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm? 
Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói lời với từ tâm.
Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm lỗi và không bị những người có trí chỉ trích.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bà la môn, phần Lời nói, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.701)
- Lời nói là điều rất cần trong việc diễn tả tâm tư tình cảm của mọi người.
- Nói đúng thời đúng lúc, đúng căn cơ thì giá trị của lời nói được tăng lên rất nhiều và có tác dụng rất lớn.
- Hành xử và nói năng sao cho vừa ý, đẹp lòng nhau là cả một nghệ thuật sống với nền tảng là sự chân thật, minh triết và từ bi.
- Đôi khi người ta hay ca ngợi một người nào đó sao khéo ăn nói vì biết cách thuyết phục người để làm lợi cho riêng mình, khiến người khác làm theo chủ ý của mình. Thực ra, hành vi và cách nói năng này không phải là thiện thuyết, khéo nói mà là ỷ ngữ, nói lời thêu dệt, phù phiếm, nịnh hót làm mê hoặc người.
- Lời nói phải nhẹ nhàng, hòa ái nhằm mang đến sự tin cậy và hòa hợp trong sự mong ước mình và người đều được lợi ích.
- Quan trọng hơn, lời nói phát ra vì lòng từ, vì tình thương, luôn mong muốn cho người được an lành, lợi lạc. Cho nên những ai biết "nói như hoa” đúng lúc, đúng với sự thật, nhu hòa, lợi ích và từ ái thì chắc chắn người này gặt hái được nhiều an vui, hạnh phúc.

IV. Lợi hành nhiếp

Phương pháp Lợi Hành nhiếp, nghĩa là dùng những việc làm, hành vi có lợi cho người khác để thu phục lòng tin của họ.
Tuy nhiên khi chúng ta hành lợi cũng luôn tùy thuộc vào đối tượng để làm lợi có thể phân ra làm bốn loại:
a.  Dùng phương tiện chỉ bày đối với những người thiện không có đức.
b. Tán dương khen ngợi những người thiện có đức.
c. Quở trách những người ác dễ điều phục.
d. Dùng thần lực để hàng phục những người ác khó điều phục, khiến cho họ bỏ ác.
 Hai loại trước gọi là Tập thiện nhiếp hay nhiếp thủ tập hợp thiện, hai loại sau gọi là Ly ác nhiếp hay nhiếp thủ để lìa ác.
1. Tập thiện nhiếp là phương pháp nhiếp phục đối với những người hiền thiện, nghĩa là thu nhóm – tập hợp các điều lành.
Trong nhóm này lại chia ra làm hai trường hợp:
·         Một là đối với những người chưa từng làm điều thiện.
·          Hai là đối với những người đã biết làm điều thiện.
Với những người chưa từng làm điều thiện, người biết vận dụng Lợi Hành Nhiếp sẽ dùng phương tiện gần gũi, tùy thuận với họ, rồi tìm những cơ hội thuận tiện, thích hợp để khuyên dạy, khuyến khích họ phát tâm làm việc thiện.
Nhờ làm điều thiện nên người ấy có thể đạt được nhiều an vui, hạnh phúc trong đời sống, do đó mà sinh ra kính tin người đã khen ngợi, khuyến khích mình.
2. Ly ác nhiếp là phương pháp nhiếp phục đối với những người đã đi nhầm vào đường ác, nghĩa là làm cho họ phải rời xa, lìa bỏ những việc không tốt đã làm.
Có hai cách để làm được điều này:
- Một là dùng những lời lẽ chân thật, đúng đắn để chỉ trích, quở trách hoặc dùng các biện pháp trừng phạt, nghiêm trị, làm cho họ phải nhận thấy rõ lỗi lầm mà hối cải.
- Hai là dùng sự uy dũng, mạnh mẽ của mình để khuất phục những kẻ ngang ngạnh, cứng rắn, buộc họ phải lìa bỏ việc ác không dám tái phạm.
- Người vận dụng Ly ác nhiếp phải có đủ sự hiểu biết & sức mạnh để khuất phục làm cho họ không thể chống lại được.
- Sau khi lìa bỏ những việc không tốt đã làm, những người ấy sẽ đạt được đời sống an ổn & hạnh phúc hơn, do đó mà họ nảy sinh sự tin phục, kính trọng đối với người đã giúp mình .
- Tập Thiện nhiếp & Ly Ác nhiếp đều nhắm đến cùng một mục đích là khuyến thiện trừ ác, nhưng vận dụng cách nào là tùy thuộc vào đối tượng, có nhiều trường hợp cần phải vận dụng cả hai.
 - Người vận dụng Lợi Hành nhiếp phải luôn hướng đến việc giúp cho người khác có thể phát tâm làm việc thiện & từ bỏ việc ác, như thế mới gọi là làm lợi ích cho người một cách chân chánh.

V. Đồng sự nhiếp

Phương pháp nhiếp hóa bằng tất cả hành động, ý nghĩ vệc làm có lợi ích cho người; nghĩa là thu phục lòng người bằng cách cùng chia sẻ mọi việc với họ
- Lợi hành có hai loại:
1. Lợi hành trong công việc vật chất: Chia xẻ những gì mình có thể chia xẻ được qua tài vật của mình.
2. Lợi hành trong công việc tinh thần: Chia xẻ kiến thức Ðạo học, kinh nghiệm tu tập mà mình đã thành tựu được.
- Đồng Sự nhiếp còn được chia ra thành hai loại là Đồng Khổ Sự nhiếp & Đồng Lạc Sự nhiếp.
Đồng khổ sự nhiếp là cùng người khác trải qua gian nan hoạn nạn, khó khăn khổ nhọc, nhờ đó mà lấy sự chân thành chia sẻ, an ủi động viên, giúp sức cho họ vượt qua khó khăn, nhờ đó mà tạo được sự cảm mến, tin phục.
Đồng lạc sự nhiếp là cùng người khác trải qua những hoàn cảnh thuận lợi, vui vẻ, luôn thân cận gần gũi để nhắc nhở khuyên răn, giúp người không rơi vào chỗ đam mê trụy lạc.
Nhờ có sự khuyên răn nhắc nhở ấy mà giúp cho họ giữ được đời sống an vui hạnh phúc. Do đó mà tạo được sự cảm mến – tin phục.
- Người thực hành Đồng Sự nhiếp phải xuất phát từ sự chân thành, thật tâm chia sẻ không giả dối, ngụy tạo.
- Trong lòng có thực sự thương yêu, thông cảm thì mới có thể cảm hóa được người khác nghe theo mình.
- Nếu chỉ thân cận gần gũi người khác vì những mục đích trục lợi thì không thể gọi là đồng sự nhiếp, những trường hợp ấy, sớm muộn gì cũng bị người khác nhận ra & khinh rẻ .

VI. Lợi ích của Tứ nhiếp pháp

Nếu ta thực hành đúng theo Tứ Nhiếp Pháp ta sẽ thấy những kết quả sau đây:
1.     Về phương diện cá nhân:
- Gieo nhân nào sẽ gặt được quả đó.

- Mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động của ta sẽ là một hạt giống thiện gieo vào ruộng phước, sau nầy ta sẽ gặt được những kết quả quý báu, tốt lành.
 - Ta có thể thu hút nhân tâm một cách dễ dàng, rộng rãi, và mỗi khi đi đến đâu, ta đều được tiếp đón một cách chân thành, nồng nhiệt. Do đó, ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc.

2. Về phương diện gia đình:

- Khi người ngoài, xa lạ mà còn mến phục, thương yêu ta, thì sao cha mẹ, vợ con, anh em là những người thân thuộc lại không quý mến ta được?
- Do ảnh hưởng tốt đẹp và uy tín của ta, mọi người trong gia đình đều trở thành thuần lương, đức độ cả.
- Đây là mẫu gia đình hạnh phúc: trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm.

3. Về phương diện xã hội:

-Người tu hạnh Tứ Nhiếp pháp sẽ gây được ảnh hưởng tốt lành và hoán cải được một phần nào hoàn cảnh xã hội.
Số người tu Tứ Nhiếp Pháp càng nhiều thì xã hội lại càng được cải tiến, và trở thành thuần lương, thiện mỹ.
- Người ta thường trách đạo Phật là tiêu cực yếm thế. Những lời chỉ trích sai lầm ấy, chỉ đem một giáo lý Tứ Nhiếp Pháp nầy ra chứng minh, cũng đủ đánh đổ được ngay.
- Nếu áp dụng triệt để Tứ Nhiếp Pháp vào cuộc đời thực tế, thì xã hội sẽ được cải tiến một cách vô cùng lợi lạc.

C. KẾT LUẬN

- Tóm lại, Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp mà đức Đạo sư đã dạy cho các hàng đệ tử của mình từ bậc xuất gia và các hàng đệ tử Bồ-tát tại gia.
 - Bốn phương pháp này khiến cho các hàng đệ tử Thinh Văn Tiểu thừa và Bồ-tát Đại thừa sinh khởi lòng thân ái, và lòng từ bi để hướng dẫn chúng sanh hữu tình đi vào Đạo một cách dễ dàng và nhẹ nhàng nhất về cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất.
- Ở đây, cả hai đều có lợi: một bên hoàn thành hạnh nguyện Bồ-tát của mình, một bên xa lánh được tà kiến vô minh để trở về với chánh kiến giải thoát.
- Tuy giữa Tiểu thừa và Đại thừa qua Tứ nhiếp pháp có những phương pháp sai khác nhau phát xuất từ từng thuộc tính căn cơ nên việc áp dụng tu tập cũng theo đó mà có được, nhưng trên đại thể vẫn mang dấu ấn tự lợi lợi tha trong chức năng hoàn thành việc tu tập của hành giả theo nhân quả hay duyên khởi mà thôi.

 
V.A. sưu tầm ( Nguồn tin: CLB Trái Tim Từ Bi )



Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

CHÙA VẠN THIỆN TỐ CHỨC LỄ MỘC DỤC TRONG NGÀY PHẬT ĐẢN VESAK PL.2558.


 Hoà trong  không khí đón mừng ngày Phật Đản  VESAK PL 2558, Toàn thể Chư Ni và Phật tử chùa Vạn Thiện đã tề tựu về chùa Vạn Thiện tham dự lễ MỘC DỤC vào ngày rằm tháng 4 năm Giáp Ngọ ( nhằm ngày 11/5/2014 )









  

 





Được biết cùng với việc tiến hành lễ Mộc Dục, ban ẩm thực chùa Vạn Thiện vẫn tiến hành cho bếp ăn từ thiện định kỳ hàng tháng , đây là chương trình vận động an chay dành cho đại chúng được ban từ thiện chùa Vạn Thiện  thực hiện hơn 10 năm qua. 

Cũng trong khuôn khổ chào mừng ngày Phật đản sanh , ngày 17/5/2014 ban từ thiện lên kế hoạch chương trình :
                   1/  Trao vốn cho 05 Huynh trưởng thuộc Phân ban HD GĐPT Tỉnh Tây Ninh trong chương                             trình " Mượn vốn " dành cho huynh trưởng GĐPT , giúp 200 người nghèo và đoàn sinh khó khăn tỉnh Tây Ninh .

2/ Khám bệnh cho 400 người nghèo tại Rạch Giá ngày 31/5/2014 và 1/6/2014. 

Tổng chi phí cho các chương trình trên ước tính 100 triệu đồng là sự đóng góp của quý ân nhân Phật tử, quý vị mạnh thường quân , các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng ban Từ thiện chùa Vạn thiện  trong mùa Phật đản  VESAK , PL 2558.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

             ( Ban Từ thiện chùa Vạn Thiện , quận 5 )

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Nguồn Gốc và Ý Nghĩa lễ Tắm Phật (Mộc Dục)

16.05.2013 13:59
Mỗi năm đến mùa Phật đản, các chùa đều làm lễ tắm Phật và đọc bài kệ, bài chú tắm Phật. Nếu tin rằng bài chú tắm Phật có tính cách linh thiêng thì cũng được; nhưng theo tôi, hiểu được ý nghĩa và có độ cảm sâu sắc về bài kệ, sẽ gặt hái được nhiều lợi ích hơn trên bước đường tu. Thật vậy, hiểu được trí tuệ và đức hạnh của Phật thì giữa chúng ta và Ngài có sự gắn bó thân thương, gần gũi hơn; từ đó thế giới Ta bà mà chúng ta đang ở và thế giới Phật cũng trở nên gần nhau, không còn bị ngăn cách xa xôi. Và lần lần chúng ta sẽ hiểu được việc làm siêu việt của Phật, hiểu được thế giới Phật, để thâm nhập được thế giới Phật thì sẽ làm được những việc ngoài sức nghĩ tưởng của con người.
 Các Hòa thượng lớn đều đạt được thành quả như vậy, mặc dù các ngài sống giản dị, nhưng việc làm nào của các ngài cũng thành tựu tốt đẹp mà người thường không làm được; đó mới thật là Phật sự. Vì vậy, thâm nhập Phật huệ là thấy Phật tu hành, phát tâm Bồ đề và thành Phật. Chúng ta suy nghĩ và làm theo Phật, nên ở ngoài tham vọng tính toán; nhờ vậy, Phật mới bổ xứ cho ta làm, và bảo Hộ pháp Long thiên trợ lực cho ta, dẫn đến kết quả vượt ngoài khả năng ta.
Một vị Tổ sư có độ cảm sâu sắc về sự thọ mạng bất tử của Phật, đã sáng tác bài kệ tắm Phật, nhưng ngài ẩn danh. Đó là bài thơ Đường có ba đoạn, mỗi đoạn có bốn câu. Bài thơ này bằng chữ Hán nên Phật tử đọc mà ít người hiểu được. Tôi mới dịch bài này ra tiếng Việt như sau, để mọi người hiểu được tôn ý của Đức Như Lai, theo đó tu hành mới đạt được kết quả không thể nghĩ bàn.
        Con nay tắm gội Đức Như Lai
        Trí tuệ quang minh tọa bảo đài
        Ngũ trược chúng sanh đều rửa sạch
        Không còn sanh tử ở trần ai
        Phật cũng không sanh Ca Tỳ La
        Cũng không nhập diệt Câu Thy Na
        Không sanh không diệt là chơn Phật
        Xứng danh giáo chủ cõi Ta bà
        Hôm nay mùng tám tháng Vê-Sa
Xuất hiện trên đời Sĩ Đạt Ta
Chín rồng phun nước từ Thiên ngoại
Bảy bước chân đi bảy đóa hoa
ÁN MÂU NI MÂU NI TAM MÂU NI TÁT PHẠ HẠ

Con nay tắm gội Đức Như Lai”. Chúng ta lấy nước nào tắm Như Lai? Một số người cho rằng không được dùng nước giếng để tắm Phật, phải lấy nước tinh khiết, vì thế chỉ có nước mưa từ trên trời rơi xuống mới tinh khiết. Theo các vị Tổ dạy, nước tắm Phật phải lấy từ tánh thiên chơn hay từ vô thức, vô tâm của chúng ta, nghĩa là cùng tột của sự giải thoát. Vì từ tánh thiên chơn mới sanh ra được nước Bát công đức. Nước Bát công đức có một công năng kỳ diệu là có thể tẩy sạch được thân nghiệp chướng ô uế, rửa sạch tâm phiền não trần lao của chúng ta.
Để tắm Phật, chúng ta mượn nước trong sạch, nhưng muốn linh nghiệm phải kết hợp được lòng thành, tánh thiên chơn của chúng ta. Nếu không có lòng thành, không phát xuất từ tánh thiên chơn, thì không hiệu nghiệm. Công đức thủy này do chúng ta tu hành đúng chánh pháp mà có. Vì thế, phải mượn nước sạch cộng với tâm trong sạch và công đức của chúng ta. Kết hợp ba yếu tố này lại mới thành pháp. Chính vì lý do không đơn giản ấy, nên hình thức tắm Phật giống nhau, nhưng có nơi đạt được sự linh nghiệm, có nơi không. Thực tế chúng ta tham dự lễ tắm Phật, có cảm nhận rằng người chủ lễ trang nghiêm được tâm thanh tịnh, trong sáng, đức hạnh vẹn toàn, nên đã biến nước mưa thành nước Bát công đức. Nước công đức này rải trúng ai thì người đó được tâm mát mẻ. Nói cách khác, nhận thấy đức hạnh của chủ lễ, chúng ta sanh tâm kính trọng, an vui, giải thoát. Có thể nói trên bước đường tu, chúng ta thường mượn cảnh để biểu thị tâm, vì tâm không có cảnh trở thành vô nghĩa, mà cảnh không chuyên chở được tâm thì cũng không có giá trị gì. Hiểu rõ như vậy, khi làm lễ tắm Phật, chúng ta chuẩn bị tư thế đạt đến tánh thiên chơn, với tất cả lòng thành, với tất cả niềm tin, mới có kết quả tốt. Cùng cầu nguyện, mà người có kết quả tốt, người không được gì và cùng tổ chức đạo tràng giống nhau, nhưng có đạo tràng thanh tịnh, đạo tràng không thanh tịnh là như vậy. 
Tâm thành cùng với niềm tin của chúng ta hòa quyện với đức hạnh của vị chủ trì lễ, tất cả dồn lực vào nước tắm tượng Phật, biến tượng trở thành linh thiêng. Tượng vật chất không linh, nhưng kết hợp được niềm tin và lòng thành của con người thì cảnh này trở thành kỳ diệu, tượng này thành trang nghiêm thanh tịnh, khiến chúng ta hình dung bức tượng trong thau nước là Đức Như Lai đứng trên tòa sen và chúng ta tắm Đức Như Lai này. Bấy giờ tượng Phật chính là vật tiêu biểu cho trí huệ quang minh, "Trí huệ quang minh tọa bảo đài” và có công năng "Ngũ trược chúng sanh đều rửa sạch. Không còn sanh tử ở trần ai”.
Chúng sanh có năm thứ trược, hay năm điều ô uế là thế giới Ta bà kết hợp những người có năm thứ này. Một là kiến giải không đồng, thấy khác nhau nên tranh giành, sát hại nhau, là chúng sanh. Ta bà hiện ra vì thấy khác, chấp khác, gọi là kiến trược. "Kiếp trược”, kiếp là một thời kỳ. Ở thời chánh pháp, công lý được phổ biến; nhưng kiếp trược thì công lý không được công nhận, mà sức mạnh làm chủ, nên nạn bè phái, tranh chấp hoành hành. Phiền não trược, chúng sinh trược thì tất cả đều khổ đau vì chống đối nhau, hại nhau và rơi vào cùng tột khổ đau, không bằng lòng cả chính mình, dẫn đến cuộc sống không còn lối thoát vì phiền não bao vây kín mít là mạng trược. Nhưng nhờ làm lễ tắm Phật ngự bảo đài, chỉ nghĩ về Phật, không nghĩ đến chúng sanh, nên tự nhiên chúng ta dẹp được phiền não và xa lìa trần cấu, thì "Không còn sanh tử ở trần ai”. Nghĩ đến Phật, gắn tâm mình nối liền với tâm Phật một cách mật thiết, phiền não trần lao biến mất. Nếu  chúng ta trụ mãi tâm thuần tịnh này, dĩ nhiên chúng ta dễ dàng thành Phật một cách nhanh chóng. Nhưng thực tế hiếm có người giữ được niệm trong sạch này một cách liên tục, chỉ nghĩ đến Phật trong một khoảnh khắc, một niệm tâm thôi, nên chỉ được thanh tịnh trong giây phút ngắn ngủi ấy, rồi lại trở về với tâm niệm điên đảo của chúng sanh.
Phật không còn sanh tử, chúng ta thì trái lại, ở trong sanh tử. Đa số người đã hiểu như vậy là không đúng. Phật không sanh tử, chúng ta còn sanh tử; như thế, giữa Phật và chúng ta cách biệt. Tu Pháp Hoa không hiểu như vậy. Vì thế, trong đoạn hai của bài kệ tắm Phật có nói rõ ý này tương ưng với phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16 của kinh Pháp Hoa. 
"Phật không sanh Ca Tỳ La
Cũng không nhập diệt Câu Thy Na
Không sanh không diệt là chơn Phật
Xứng danh giáo chủ cõi Ta bà”.
Theo lịch sử ghi nhận, Đức Phật sanh ở Ca Tỳ La và nhập diệt ở Câu Thy Na; nhưng nay lại nói Phật không sanh ở Ca Tỳ La và không nhập diệt ở Câu Thy Na. Đây chính là cốt lõi của kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thọ Lượng, theo đó Phật không sanh diệt là chơn Phật. Nếu Phật có sanh diệt, là Phật chết rồi thì chẳng lẽ không còn Phật hay sao? Chơn Phật không sanh diệt, nhưng chúng ta bị vô minh, vọng kiến ngăn che, nên mới thấy Phật có sanh diệt, nghĩa là thấy Ngài sanh ra trên cuộc đời và Ngài không còn sống nữa. Nếu chỉ thấy như vậy là cái thấy biết đơn giản, không đúng, là cái thấy ảo giác theo cuộc đời, nên Đức Phật thường nói cuộc đời này là ảo mộng, không thực. Nghĩa là cuộc đời thay đổi không cùng, tất cả mọi người làm đủ thứ rồi biến mất, mà kinh cũng thường diễn tả là mộng huyễn bào ảnh. Chính vì lý do đó, Phật dạy rằng người tu Pháp Hoa không phải là người ở trong cuộc đời thấy cuộc đời (bất như tam giới kiến ư tam giới). Còn thấy như người trong cuộc đời là mộng tưởng điên đảo, thì hay giận, buồn, lo, sợ. Vì thế, người còn giận là còn sống với vọng tưởng điên đảo, tự biết không phải là hành giả Pháp Hoa. Người hay sợ, nhất là sợ chết, nhưng thân này tất yếu phải chịu sự chi phối của sanh diệt, có sanh phải có chết, không thể khác. Chết là việc quan trọng nhất của con người, mà chúng ta không sợ, thì những việc khác có gì mà phải sợ. Còn nói đến lo thì đa số người lo nghèo, đói, khổ; đó là việc không đáng lo. Vì như đã nói tất cả mọi việc trên cuộc đời này là mộng ảo phù du, người giàu có quyền thế đã có đủ thứ mà họ có tồn tại mãi đâu. Việc đáng lo nhất là lo ra khỏi thế giới sanh tử luân hồi, để trở về cội nguồn của chúng ta là thế giới Phật. Ở thế giới Phật mới là chánh, ở đây là phụ. Việc của chúng ta là nhắm đến cái gốc không còn sanh tử. Vì thế, chúng ta sợ nhất là sợ kẹt trong sanh tử, trong vô minh. Vì chúng ta nhìn sự vật không chính xác, nên nghĩ tưởng đủ thứ, không bao giờ đúng, mới buồn phiền, khổ đau, thất vọng, nghĩa là sống với thế giới sanh tử. 
"Hôm nay mùng tám tháng Vê Sa
Xuất hiện trên đời Sĩ Đạt Ta
Chín rồng phun nước từ Thiên ngoại
Bảy bước chân đi bảy đóa hoa”
Vì chúng ta sống trong cuộc đời ảo mộng, nên Phật cũng phải hiện thân vào thế giới này để cứu độ chúng ta. Nếu Phật không xuất hiện trên cuộc đời, tất cả mọi người làm sao biết Phật là gì.
Phật không sanh diệt là Phật chân thật, nhưng không ai thấy, không ai biết, nhưng nhờ Phật mang thân người trên cuộc đời mà chúng ta hình dung ra Phật. Phật xuất hiện với tư cách của con người toàn thiện, không khổ đau. Dù Ngài là con người mang tên Sĩ Đạt Ta, nhưng cuộc sống của Ngài thể hiện rõ nét tất cả những gì đáng quý nhất. Trong con người Phật, từ cấu trúc cơ thể khỏe mạnh, thông minh, tướng hảo trọn lành, cho đến sự hiểu biết tuyệt đỉnh, tâm lượng đại từ bi, vị tha vô cùng, việc làm lợi ích vô tận, v. v...
 Nhờ sanh thân Phật hiện hữu mà chúng ta nhận ra được Báo thân Phật kết hợp toàn những điều quý báu như vừa nói. Vì thế, chúng ta kính trọng Phật là kính trí tuệ và đức hạnh của Ngài. Phật là biểu tượng của sự hiểu biết chính xác cao tột để chúng ta nương theo, mới nhận ra được Phật chân thật vĩnh hằng. Trí Giả đại sư diễn tả ý này là vị liên cố hoa; nghĩa là Phật thật ví như gương sen bên trong, Phật hiện trên cuộc đời ví như hoa sen bên ngoài. Hoa sen từ bùn sanh ra, tỏa hương thơm tinh khiết mà các loài hoa khác không có được. Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời tiêu biểu cho sự trong sạch hoàn toàn như hoa sen mà không một bậc Thánh nhân nào có thể sánh bằng và Đức Phật tinh khiết như gương sen nhờ cốt lõi tâm trọn lành của Phật thật. Từ Phật gốc toàn thiện, toàn mỹ, toàn bích như vậy mới thể hiện lời nói và việc làm thánh thiện của Phật bằng xương thịt hiện hữu trên thế gian. Nhờ tâm Phật đặt vào thân Thái tử Sĩ Đạt Ta, nên đã biến đổi thân thái tử thành thân Phật, nhưng người ta cứ tưởng lầm thái tử là Phật.
Thái tử Sĩ Đạt Ta hay Phật Thích Ca có xuất hiện trên cuộc đời và có từ giã cõi đời, nhưng nhờ tâm Phật ẩn chứa bên trong, nên Phật thật không chết, mà tồn tại vĩnh hằng. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phân Biệt Công Đức thứ 17, Đức Phật bảo Di Lặc Bồ tát rằng nếu có người nào sanh một niệm tín giải thọ mạng dài lâu của Đức Như lai thì sẽ được công đức nhiều hơn công đức của người bố thí, trí giới, nhẫn nhục trong tám mươi muôn na do tha kiếp. Nếu hiểu ý nghĩa thọ lượng Như lai thì có thể được phát sanh Phật huệ Nhứt thiết chủng trí, lại có thể thấy… thế giới Thật Báo của Lô Xá Na. Nghĩa là người hiểu được Phật thật đi vào sanh thân của Sĩ Đạt Ta và Phật thật đó ra khỏi Sĩ Đạt Ta, là đã nhận chân được Phật không sanh diệt. Và chúng ta nương theo Phật không sanh diệt để tu, theo công đức và trí tuệ của Phật thật đó để phát huy hiểu biết và đạo hạnh của mình; nói cách khác, nhìn sanh diệt mà hướng về Vô sanh, về Niết bàn.
Người có trí hiểu được Phật thật hiện vô Sĩ Đạt Ta và khi thân Sĩ Đạt Ta già rồi, thì Phật thật ra đi. Thân người ví cho nhà ngũ uẩn, nhưng nhà này hư mục, chúng ta bỏ đi và đến nhà khác ở. Người khôn chỉ ở tạm nhà ngũ uẩn, họ làm việc tích lũy được một số tiền lớn, thì nhà mục, họ mua được nhà khác sang trọng hơn để ở. Cũng vậy, linh hồn chúng ta trong sáng và có phước đức, chúng ta phải có thân xác tốt. Linh hồn chúng ta xấu ác sẽ có xác thân xấu xí. Linh hồn tốt ví như người giàu có, phải mua nhà tốt ở. Chúng ta hành Bồ tát đạo tạo được nhiều công đức, khi nhận thấy thân này sắp hư, chúng ta tạo thân khác tốt hơn để tiếp tục công việc hoằng hóa độ sanh. 
Đức Phật nói Ngài thành Phật ở chỗ này thì có tên này, thành Phật chỗ khác có tên khác; nghĩa là Phật có phước báo rồi, Ngài sử dụng phước đó để tạo nhà ngũ uẩn ở đâu cũng được. Ví như người có tiền tìm nhà tốt ở khu an ninh, sang trọng để ở. Chúng ta nghèo phải vào xóm nghèo, phải chấp nhận sống chung với những người hung ác, trộm cắp, v.v…
Trên bước đường tu, khi thọ thân ngũ uẩn, chúng ta coi nó là chỗ tạm nương náu để tạo công đức. Nhưng thân này hoại rồi, phải bỏ nó mà không có chỗ khác ở thì tinh thần mê mờ sẽ dẫn đường đưa lối, chỗ nào cũng chui vô đại, chỗ ở của heo gà chó… cũng vô, vì đâu có điều kiện để lựa chọn. Cần hiểu rằng tạm mượn thân ngũ uẩn, nhưng quan trọng là chúng ta được gặp Phật pháp, nương theo Phật pháp tu hành, nương theo Thầy hiền bạn tốt để khai ngộ cho chúng ta làm quyến thuộc Bồ đề, để giúp chúng ta tạo các thắng duyên khác. Vì được làm bạn với Bồ tát mười phương, các ngài mới giới thiệu cho chúng ta vùng đất tốt đẹp, an lành. Đó là Tịnh độ của Phật mười phương có rất nhiều, nhưng chúng ta không biết. Các Bồ tát chỉ cho chúng ta những nơi an lành ấy. Tu Pháp Hoa là nương các vị này dẫn lối đưa đường cho chúng ta đi đến những nơi an lành; nghĩa là bước đường tu của chúng ta đã có định hướng, nên bỏ xác rồi mới đến đó được. Nhiều người niệm Di Đà, nhưng ít người được về Cực Lạc là vậy. Phước đức thế nào mới vào thế giới Phật được. 
Kỷ niệm mùa Phật Đản, cầu mong Tăng Ni, Phật tử luôn hướng tâm đến Đức Phật bất sanh bất diệt, sống với Phật Báo thân vĩnh hằng bất tử để nuôi lớn Báo thân của chúng ta, để xây dựng cõi Tịnh độ an lạc ngay trên cõi nhân gian này.
                                                                (Trich bai giang cua Hoa ThuongThich Tri Quang)


MỔ MẮT TỪ THIỆN


Chào mừng Đại lễ Phật Đản VESAK 2014 , vào ngày 7/5/2014, nhằm ngày 9 tháng 4 năm Giáp Ngọ, ban từ thiện  chùa Vạn Thiện đã tổ chức mổ mắt từ thiện cho 40 đồng bào nghèo từ tinh Bình Dương , Long An và TP Hồ Chí Minh.
Phẫu thuật được thực hiện tại bệnh viện An Bình, quận 5, Tp HCM.

              - Các bệnh nhân chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật.




            - Các cuộc phẫu thuật thực hiện ngay trong ngày






            - Bệnh nhân được chăm sóc sau phẫu thuật rất chu đáo.








             - Ban Từ thiện chủa Vạn Thiện chuẩn bị cơm chiều vàquà tặng cho đồng bào mổ mắt. .



            - Thượng toạ Thích Lệ Tấn, trụ trì chùa Giác Hoa, h Tân Thành, tỉnh Long An đã đại diện bà con  ngỏ lời cám ơn  ban TTXH chùa Vạn Thiện, đoàn bác sỹ , y tá bệnh viện An Bình đã thực hiện thành công các cuộc phẫu thuật.



              - Đồng bào nhận quà và bữa cơm chiều trước khi rờii bệnh viện.




           Tổng kinh phí cho chương trình mổ mắt cho người nghèo là 40.000.000 ĐVN. Ban Từ thiện chùa Vạn Thiện xin chân thành tri ân quý vị Phật tử, các nhà hảo tâm , mạnh thường quân đã chung tay góp sức để chương trình được thành công mỹ mãn. Nguyện câu mười phường Chư Phật gia hộ cho toàn thể quý ân nhân được thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành.

                          NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.

                                            ( Ban Từ thiện Xã hội chùa Vạn Thiện , q. 5 )