lời hay ý đẹp

KÍNH CHÚC CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG NI, QUÝ ĐẠO HỮU PHẬT TỬ NĂM MỚI VẠN SỰ AN LÀNH, CÁT TƯỜNG NHƯ Ý.

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Ý NGHĨA LỄ HẰNG THUẬN


Lễ Hằng Thuận là lễ cưới tổ chức theo nghi thức Phật Giáo, tên phổ quát là lễ Thành Hôn, tức là “Hằng thuận chúng sanh “ là nghệ thuật sống hòa hợp , đoàn kết với người khác, ý nói đôi tân hôn phải sống hòa thuận, nhường nhịn trong tinh thần tương kính. Đây là mấu chốt của đời sống gia đình
Người khởi xướng ra nghi lễ Hằng Thuận là Ông Đồ Nam Tử. Ông tên thật là Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940) quê ở Hải Dương. Ông vốn là một nhà nho, sau ông chuyển qua đạo Phật và là người cổ vũ phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà.
Ông Đồ Nam Tử cho rằng đạo Phật nên được dấn thân và hoà hợp vào quần chúng. Vào năm 1930, bác sỹ Lê Đình Thám, đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm - Huế . Có thể nói đây là lễ cưới đầu tiên trước cửa Phật được các chư Tăng chứng minh . Hưởng ứng theo lời kêu gọi của Đồ Nam Tử, vào năm 1971 Hoà Thượng Thiện Hoa đã dùng hai chữ Hằng Thuận để chỉ việc kết hôn trước cửa Phật. Nghi lễ được tiến hành cũng gần giống như lễ cưới thông thường. Chỉ khác một điều, chủ hôn là một vị Hoà thượng hay chư Tăng, Ni được mời tới dự lễ. Chư vị Hoà thượng sẽ đứng ở phía trên khán đài, gia đình nhà cô dâu, chú rể cùng bạn bè sẽ đứng ở hai bên. Khi buổi lễ diễn ra, tân lang và tân nương sẽ quỳ trước mặt các vị Chư Tôn Đức Tăng, Ni . Trước khi làm lễ, vị chủ hôn sẽ hỏi xem cô dâu, chú rể đã quy y chưa, nếu chưa thì quý Thầy, Cô sẽ làm lễ quy y cho hai vợ chồng trước, rồi mới tới nghi lễ cưới.
Là người Phật Tử tại gia, nếu tổ chức tiệc tại chùa là ta thực hành giới “Không sát sanh hại vật”, ta hãy tránh cho bao sinh linh phải hy sinh thân mạng để phục vụ cho ngày hạnh phúc thiêng liêng này.
Tổ chức lễ Hằng Thuận tại chùa là một nhu cầu cần thiết , mang ý nghĩa văn hóa, đạo đức và tâm linh vô cùng to lớn. Chứng minh và hộ niệm cho hôn lễ của Phật tử là việc làm tùy thuận của Chư Tăng , đây cũng chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho người Phật tử tại gia Phật hóa gia đình , xây dựng đời sống gia đình hướng thiện, góp phần củng cố một xã hội lành mạnh , một đất nước bình an.
V.A. (sưu tầm)