lời hay ý đẹp

KÍNH CHÚC CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG NI, QUÝ ĐẠO HỮU PHẬT TỬ NĂM MỚI VẠN SỰ AN LÀNH, CÁT TƯỜNG NHƯ Ý.

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

TẾT NGUYÊN TIÊU VỚI HỘI HOA ĐĂNG



Tết Nguyên Tiêu là một trong những lễ hội truyền thống có từ ngàn xưa, vì Nguyên Tiêu rơi vào ngày trăng tròn đầu tiên của một năm, nên còn được gọi là "Nguyên Tà", "Nguyên Dạ" hay "Thượng Nguyên", còn ở ta mọi người quen gọi đó là "Rằm Tháng Giêng".

Theo sử sách và truyền thuyết, Nguyên Tiêu khởi nguồn từ thời nhà Hán, nhưng chúng thực sự phát triển và trở thành ngày hội lớn của dân gian từ thời nhà Đường.

Một trong những hoạt động sôi nổi nhất trong ngày Nguyên Tiêu và được duy trì đến tận bây giờ là Hội Hoa Đăng, một lễ hội có xuất xứ từ đạo Phật.

Sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Nguyên, để tỏ lòng thành với Phật, Hán Minh Đế (năm 25-75) hạ chỉ cứ vào ngày rằm của tháng đầu năm là phải thắp nến trong cung và các nhà chùa để "dâng Phật", sau dần trở thành Hội hoa đăng trong dân gian. Đến thời Đường Huyền Tông, hội hoa đăng từ kinh thành Tràng An lan rộng ra và cuối cùng biến thành ngày hội truyền thống của cả nước. Ngay từ thời đó, Hội hoa đăng đã có quy mô đáng kể và xuất hiện nhiều kiểu đèn khác nhau, có hình vật nuôi, có đèn kéo quân, có nơi còn trồng hàng trăm ngọn đèn lên nhau thành những giàn đèn cao đến 150m, rộng bằng 20 gian nhà.

Ngoài việc mở rộng hình thức lẫn quy mô, số ngày lễ dành cho Hội hoa đăng cũng được kéo dài thêm: Thời nhà Đường là 3 ngày và được ấn định vào "trước và sau Thượng Nguyên"; đến nhà Tống lại được kéo dài thêm 2 ngày nữa bắt đầu từ ngày 16; đến thời Minh tiếp tục nới rộng thành 10 ngày, khởi đầu từ ngày mồng 8 Tết cho đến hết ngày 18. Sau khi người Mãn làm chủ Trung Nguyên, lễ thắp đèn lồng trong cung bị loại bỏ, nhưng tục truyền chơi đèn lồng trong lễ Hội hoa đăng vẫn được duy trì cho tận bây giờ, chỉ khác chăng là số ngày hội đã rút ngắn còn 5 ngày.

Hội hoa đăng ngoài treo đèn còn có hoạt động "Đố đèn", nghĩa là người làm đèn viết hoặc dán lên mặt đèn những câu đối hoặc lời thơ để thách đố mọi người, bên cạnh đó còn có cả múa lân, múa rồng, đua thuyền, đi cà kheo và múa tập thể… không khí náo nhiệt của ngày hội đầu xuân không kém gì mấy ngày Tết Nguyên Đán.

Ngoài vui chơi giải trí, người Trung Hoa còn có tục truyền ăn bánh "Nguyên Tiêu". Bánh




Nguyên Tiêu rất giống với bánh trôi của ta, nhưng cách làm lại khác: nhân bánh được cán mỏng và cắt miếng, sau cho vào chiếc sàng rung trong có chứa sẵn bột gạo nếp, rung đến đâu bột nếp bám đầy nhân đến đó cho đến khi vê thành chiếc bánh tròn, cỡ bằng quả bóng bàn. Cứ vào ngày này, nhà nhà đều có bánh Nguyên Tiêu, giống như chiếc bánh chưng xanh của ta trong dịp Tết vậy.

Khi nói về bánh "Nguyên Tiêu", truyện kể rằng thời Hán Vũ Đế có một cung nữ tên là Nguyên Tiêu đã qua nhiều Tết mà không được đoàn tụ với gia đình, vì buồn cho số phận nên đã tìm đến một cái giếng toan kết liễu cuộc đời. May thay, cô gái được Đông Phương Sóc, viên sủng thần của Hán Vũ Đế cứu sống. Để thỏa lòng cô gái, Đông Phương Sóc nghĩ ra một kế: Ông bày một bàn bói quẻ trên phố Tràng An, tất cả những người đến bói đều nhận được một quẻ ghi dòng chữ "16 tháng giêng sẽ bị lửa thiêu", rồi tối ngày 13 tháng giêng sẽ có một tiên nữ áo đỏ giáng trần để hỏa thiêu Tràng An, mọi người muốn sống, hãy tâu lên nhà Vua để tìm cách thoát nạn.

Được tin thần hỏa sẽ đốt thành Tràng An, Hán Vũ Đế vội triệu mưu sĩ Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó, Đông Phương Sóc vờ nghĩ một lúc rồi tâu với Vua: Nghe nói thần lửa rất thích ăn bánh trôi, trong cung có Nguyên Tiêu khéo tay có thể giao cho cô làm bánh, đồng thời lệnh cho dân Tràng An đến ngày đó mỗi nhà treo trước cửa chiếc đèn lồng đỏ, để Ngọc Hoàng tưởng dưới trần đang bị lửa thiêu. Để tặng công làm bánh dụ lửa thần, nhà vua đã cho Nguyên Tiêu về đoàn tụ với gia đình, còn người đời để ghi ơn "dẹp nạn hỏa" của cô gái mà đặt cho chiếc bánh trôi và ngày rằm tháng giêng cái tên "Nguyên Tiêu", đồng nghĩa với "Tết đoàn viên" hay "Tết tình yêu".

Trung Hiếu ( Trích từ www.htv.org.vn )